Hệ thống điện tử Abukuma (lớp tàu hộ tống khu trục)

Hệ thống radar bố trí trên cột buồm tàu JS Tone (DE-234) và JS Sendai (DE-232)

Abukuma được lắp đặt hệ thống định hướng chiến đấu OYQ-7, hệ thống máy tính này cung cấp khả năng tính toán siêu tốc cho phép tàu Abukuma đối phó hiệu quả với các mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu dưới nước. Hệ thống thông tin liên lạc cấp chiến thuật Link-14 (STANAG 5514) giúp Abukuma có thể dễ dàng kết nối thông tin với tất cả các tàu chiến cũng như các thiết bị quân sự khác thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF)đồng minh.

Các bộ cảm biến của tàu bao gồm radar định vị phát hiện mục tiêu trên không tầm xa OPS-14C (chức năng tương đương với radar AN/SPS-49 do Mỹ sản xuất), radar định vị nhận dạng và theo dõi mục tiêu mặt nước OPS-28-C (tương đương với radar AN/Mk-32 của Mỹ), radar chuyển hướng, dẫn đường OPS-20, thiết bị giám sát hồng ngoại OAX-1B, radar điều khiển hỏa lực FCS-2-12 do Nhật tự sản xuất dùng để dẫn bắn tên lửa hành trình chống hạm RGM-84C Harpoon, radar điều khiển hỏa lực FCS-2-21A dùng để dẫn bắn cho pháo hạm 76mm Mk-75, và radar điều khiển hỏa lực Mk 90 của General Dynamics cho hệ thống CIWS Mk-15 Phalanx.

Năng lực chống ngầm của Abukuma không mạnh như các lớp tàu khác của JMSDF khi chỉ được trang bị sonar kết hợp chủ/bị động phát hiện và xác định vị trí tàu ngầm OQS-8 (tương đương với sonar DE-1167 của Mỹ). OQS-8 là loại sonar hoạt động trên tần số trung bình. Anten của OQS-8 được được gắn cố định trong quả cầu hình giọt nước ở mũi tàu, anten được tách rời khỏi các khoang trên tàu bằng bộ phận cách âm, giảm tối thiểu nhiễu thủy âm khi sonar hoạt động. JMSDF từng có kế hoạch bổ sung thêm sonar kiểu mảng kéo cho tàu nhưng cho đến nay công việc vẫn chưa được triển khai.

Phương thức "bảo vệ mềm" (soft-kill) của Abukuma bao gồm các hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp ESM NOLR-8 và OLT-3 ECM của Fujitsu và hệ thống mồi bẫy Mk-36 SRBOC. Hệ thống này được cấu thành bởi hai bộ phận chính là trinh sát điện tử và gây nhiễu điện tử. Hệ thống chiến tranh điện tử NOLQ-8 được điều khiển bởi một máy tính tốc độ cao có khả năng xử lý, quản lý hàng nghìn phép tính/giây và được vận hành bằng phương thức tự động hoặc bán tự động. Trong đó, bộ phận trinh sát điện tử sử dụng băng tần hỗ hợp nên có khả năng mở rộng dải trinh sát với độ chính xác lên tới 1 độ và phạm vi bao phủ 360 độ. Còn bộ phận gây nhiễu điện tử được cấu thành bởi 4 anten, mỗi anten có khả năng tác nghiệp một góc 90 độ với tổng cộng 140 dải tần số khác nhau. Hệ thống này có thể cùng một lúc gây nhiễu đối với 80 bộ radar với thời gian phản ứng trước các tình huống cực ngắn.

Hệ thống Mk-36 SRBOC thường kết hợp với hệ thống chiến tranh điện tử NOLQ-8. Mk-36 SRBOC được bắt đầu đưa vào trang bị từ năm 1976, với bán kính tác chiến gây nhiễn là 4 km; công suất gây nhiễu từ 7 – 8 kW; công suất gây nhiễu hồng ngoại từ 3 – 5 kW; độ cao tác chiến là 150 m, độ trễ là 3,5 – 0,5 giây; thời gian hình thành khu vực gây nhiễu là 8,5 giây; thời gian hình thành tường hồng ngoại gây nhiễu là 6 giây. Cơ chế hoạt động của Mk-137 đó là phóng ra các quả rocket chứa nhiều lá nhôm để tạo các mục tiêu giả qua đó đánh lừa hệ thống đầu dò mục tiêu trên tên lửa của đối phương, từ đó khiến tên lửa đối phương bắn nhầm mục tiêu.[1][2]

  • Radar định vị phát hiện mục tiêu trên không tầm xa OPS-14C
  • Radar định vị nhận dạng và theo dõi mục tiêu mặt nước OPS-28C
  • Hệ thống mồi bẫy Mk-36 SRBOC